top of page
Search
Writer's pictureST4 Lớp PPNC

NHÓM 5 - CÀ PHÊ SÀI GÒN: KHI TRUYỀN THỐNG SONG HÀNH CÙNG HIỆN ĐẠI


“Hối hả” và “Vội vàng” là hai từ mà người ta thường dễ dàng thốt ra chẳng cần nghĩ ngợi mỗi khi nhắc đến Sài Gòn. Ấy vậy mà nếu đã từng một lần đi xa, có bao giờ bạn nhớ Sài Gòn những sớm cuối tuần vắng vẻ và bình yên đến lạ, nắng nhuộm vàng ươm những con đường thường ngày tấp nập và còn gì tuyệt hơn cùng bạn bè quây quần tán gẫu bên ly cà phê, nói chuyện đời chuyện mình như một cách để quên đi những vội vã lo toan suốt cả một tuần dài.

 

“Sài Gòn café sữa đá, vẫn mãi như thế ai uống hay chưa?”

Sài Gòn café sữa đá – Hà Okio

 

Nếu “Hà Nội trà đá vỉa hè” được xem như một biểu tượng bình dân bình dị đặc trưng của mảnh đất Hà Thành thì “Sài Gòn cafe sữa đá” lại muôn màu muôn vẻ với hàng trăm quán cà phê lớn nhỏ hiện diện trên khắp ngả đường. Từ những quán cà phê sang trọng trên những con phố sầm uất cho tới những quán cà phê cóc với vài ba chiếc ghế nhựa làm bàn đều có thể là nơi bắt đầu câu chuyện. Nét đẹp trong văn hóa cà phê của Sài Gòn nằm ở chỗ, giữa một thành phố mà nhịp sống hiện đại có lẽ là nhanh nhất cả nước mà những nét đẹp xưa cũ vẫn còn ở đó, vẫn song hành tồn tại. Hãy cùng nhau khám phá hai quán cà phê đại diện cho hai phong cách truyền thống - hiện đại mà chúng tôi lựa chọn ghé thăm.


1. Cà phê vợt Ba Lù - Nơi mùi thơm cà phê gia truyền tồn tại hơn 60 năm:


Tọa lạc tại khu phố mang đậm dấu ấn người Hoa giữa Sài Gòn hoa lệ, hơn 60 năm trôi qua cà phê Ba Lù vẫn gìn giữ và lưu truyền công thức cà phê vợt gia truyền. Quán nằm sâu trong con hẻm của chợ Phùng Hưng nên sẽ gây khó khăn cho những vị khách lần đầu tìm đến. Bạn phải gửi xe ở đầu chợ hoặc cũng có thể gửi xe ở các ngôi chùa Hoa trên đường Nguyễn Trãi rồi đi bộ đến quán.


Mùi thơm phảng phất trong làn khói từ quán cà phê vợt Ba Lù tồn tại đã hơn 60 năm, ấy vậy mà vẫn đủ sức níu chân những vị khách tìm đến để thưởng thức, để hoài niệm lại chút không khí Sài Gòn xưa cũ giữa dòng chảy vội vàng hối hả.


Sài Gòn cuối tuần, làm một ly cà phê không?

Chân dung những người "giữ lửa" của cà phê vợt Ba Lù

Ấn tượng đầu tiên khi đến quán có lẽ phải nói đến sự tiếp đón niềm nở của ông bà chủ. Vì đây là một doanh nghiệp gia đình nối nghiệp nhiều đời nên nhân viên quán và cả chủ đều là người thân trong gia đình với nhau. Họ thân thiện, nhiệt tình từ cách phục vụ, trò chuyện cho đến sẵn sàng chia sẻ câu chuyện về ly cà phê gia truyền mà không hề giấu giếm, câu nệ gì.


Cà phê vợt Ba Lù đón tiếp đa phần là người dân buôn bán trong khu chợ, những vị khách trung niên hằng ngày đến quán rồi trở thành khách quen; hay cũng có thể bắt gặp những nhóm bạn trẻ quây quần bên nhau cùng thưởng thức hương vị cà phê là lạ này.


Tiết trời nóng nực của mùa hè cùng với sự nhộn nhịp của chợ theo chân người ta vào tận trong quán. Không gian quán chỉ đơn giản là phòng khách của một căn nhà nhỏ phong cách Trung Hoa cổ kính. Từ những bức ảnh gia đình trắng đen được treo vách tường đã bong sơn, cũ kĩ đến từng ấm nước bình siêu đều khiến ta cảm có giác như nhịp sống hiện đại ngoài kia đã bỏ quên nơi này.


Không gian bên trong khá thiếu ánh sáng vì diện tích quán nhỏ, nhưng bù lại phía trong có bếp than hồng dùng để đun nước tạo nên không gian ấm cúng cho quán. Quầy pha chế được đặt ở gian nhà trước lúc nào cũng nghi ngút khói từ bình siêu luôn được đun sôi tạo nên một hình ảnh hết sức hoài cổ. Đồ đạc, dụng cụ chế biến nên ly cà phê cũng cũ kỹ nhiều phần nhưng nó đang nuôi dưỡng và làm một cái việc đáng quý lắm. Bên cạnh quầy kê hai bàn gỗ thấp, đối diện là khung cảnh họp chợ tấp nập, náo nhiệt. Gian giữa có thể nói là khu vực phục vụ rộng nhất với tầm bốn năm bàn cao. Sức chứa chỉ tầm 15-20 khách, nhưng chính cái cách những vị khách nơi đây sẵn sàng nhường nhau từng chiếc ghế, từng góc bàn có lẽ đã khiến cho người ta thêm yêu và tìm đến quán ngày một nhiều hơn.

Cận cảnh quá trình rang cà phê thủ công ngoài trời của quán.

Cà phê vợt Ba Lù mang hương vị đặc trưng của cà phê nguyên chất đến nay vẫn còn giữ cách rang xay thủ công, mặc dù khá vất vả nhưng mang lại hương vị cà phê không một máy móc hiện đại nào có thể sánh được. Nếu may mắn, ta có thể đến đúng hôm quán rang xay cà phê ngoài trời. Đây chính là thứ tạo nên sự khác biệt cũng như là truyền thống của gia đình để lại mà chủ quán đến nay vẫn còn gìn giữ. Cà phê của quán Ba Lù được rang thủ công bằng bếp củi và xay thành bột, một tuần sẽ rang 1-2 lần, một lần rang hai chảo, mỗi chảo 10kg cà phê. Chảo đầu tiên sẽ được rang trong vòng 1 giờ, chảo thứ hai sẽ rang 40 phút. Rang cà phê phải khéo, quay đều, giữ lửa ổn định. Trong khi rang, ông bà chủ sẽ bỏ muối để hạt cà phê tróc vỏ. Sau khi rang xong, chảo được bỏ thêm bơ, mùi cà phê sau khi rang thơm dậy một vùng.


Từ lò rang cà phê...

Cà phê được pha bằng vợt và cho nhiều nước nên khá nhạt và lỏng, không sánh đậm như vị cà phê pha bằng phin. Nhưng như vậy lại có cái hay riêng. Vị cà phê nhạt nhưng lại dậy mùi rất thơm, vị đắng của cà phê kết hợp với vị ngọt béo của sữa đặc lại thích hợp cho những ai hay bị hương vị đậm đặc của cà phê phin làm cho say. Sự lựa chọn khi đến quán chỉ gói gọn bỏi những món thức uống cà phê cực kì quen thuộc như: cà phê đen, cà phê sữa và bạc xỉu. Cà phê chỉ giữ trọn vị khi uống nóng vì vậy mà mọi món cà phê ở đây đều được phục vụ nóng và một ly đá để dùng kèm.

...tới ấm siêu, chiếc vợt đều nhuộm màu thời gian.

Nhấp một ngụm cà phê, nhâm nhi thêm một ngụm hồng trà mát lạnh ngọt thanh, ngắm nhìn và ghi lại mọi khoảnh khắc… .Nhờ chốn nhỏ này mà ta biết yêu vị cà phê vợt mang theo hồi ức, biết trân trọng những con người vẫn ngày ngày âm thầm “giữ lửa” cho hương vị cà phê truyền thống, cũng chính là gìn giữ một nét đẹp hoài cổ của Sài Gòn muôn năm cũ.



 

Địa chỉ: 193 Phùng Hưng, phường 14, quận 5, TP HCM.

Giá: 20.000 VND

 

II. LÀ VIỆT COFFEE - CÀ PHÊ NGUYÊN BẢN CỦA NGƯỜI TRẺ VIỆT


Bạn đang cần một không gian không quá náo nhiệt để đọc sách làm việc? Một nơi để họp mặt bạn bè cuối tuần hay muốn tìm một chốn ẩn mình khỏi phố xá xô bồ tấp nập? Vậy thì đừng quên ghé thăm một trong bốn chi nhánh của thương hiệu cà phê cực chất này tại Sài Gòn. Là Việt Coffee vốn là một trong những thương hiệu cafe từng gây "bão" tại Đà Lạt bởi chất lượng đồ uống và không gian đặc biệt. Đến nay, Là Việt đã có thêm rất nhiều chi nhánh khác tại thành phố nhộn nhịp này. Trong đó, chi nhánh Là Việt ở Tú Xương có lẽ là địa điểm được lựa chọn nhiều nhất. Vì quán nằm trong hẻm nên phải gửi xe cách đó khoảng 100m, có thể khó khăn trong việc tìm kiếm chỗ gửi và gây bất tiện trong việc di chuyển khi lần đầu tới quán

.

Diện mạo của Là Việt Coffe (chi nhánh Tú Xương)

Quán được thiết kế 3 tầng với tông màu chủ đạo là trắng-xanh, kết hợp với ánh đèn vàng nhẹ nhàng tạo nên không gian ấm, dễ chịu. Mỗi tầng đều có nhà vệ sinh riêng. Không gian bên trong Là Việt Coffee được thiết kế theo phong cách công nghiệp với sàn xi-măng và nội thất từ gỗ. Cách bài trí những bàn dài trong không gian rộng thích hợp để học tập và làm việc nhóm. Phong cách trang trí của quán cũng không quá cầu kỳ, nhưng lại tạo ấn tượng bởi những bức tranh từ hạt cà phê thật, những chậu cây xanh tạo nên sự đơn giản mà hiện đại

Không gian bên trong được bố trí theo phong cách đơn giản mà hiện đại.

Quầy pha chế khá lớn trang bị dụng cụ và máy pha cà phê hiện đại, được bố trí ở tầng trệt cùng với kệ sách nhỏ và kệ trưng bày những sản phẩm mang thương hiệu Là Việt điển hình như các loại cà phê đóng gói, bộ phin, túi vải, bình nước, sổ tay,… Tầng hai có bức tường kính hướng ra ngoài là những ngôi nhà đậm chất kiến trúc cổ điển. Khu dành riêng cho khách hút thuốc ở tầng ba và không thể không nhắc đến ô cửa sổ - điểm checkin quen thuộc của những bạn trẻ mỗi khi đến quán.


Quầy pha chế khá lớn và chuyên nghiệp
Kệ trưng bày sản phẩm riêng của Là Việt

Khu vực hút thuốc và tự phục vụ

Ô cửa sổ "thần thánh" - địa điểm checkin quen thuộc của nhiều bạn trẻ khi đến Là Việt

Nếu lần đầu tiên tới với Là Việt, tin chắc rằng bạn sẽ đứng hình mất vài giây hay thậm chí là mất đến vài phút để có thể lựa chọn được món mà bạn muốn bởi menu của Là Việt rất đa dạng và có hình ảnh minh họa bắt mắt. Thức uống của quán sẽ phân ra thành các nhóm “Trà, Socola & Nước ép nguyên chất”; “Cà phê pha phin”, ”Cà phê pha thủ công” và một nhóm cũng khá đặc biệt là “Các món hay ho của Là Việt” – Những món đặc trưng được ưu chuộng của quán.

"Choáng nhẹ" trước menu đa dạng và bắt mắt

Quán có cả cà phê pha phin, cà phê pha máy và cà phê pha thủ công. Nếu là một tín đồ của cà phê, tin chắc rằng các món cà phê của Là Việt sẽ không làm bạn thất vọng. Có riêng cà phê chai mang thương hiệu Là Việt, tuy cà phê đậm và mùi thơm nồng đặc trưng nhưng nhìn chung vẫn khá ngọt nếu không dùng đá. Ngoài cà phê, Là Việt có phục vụ các món trà như trà xanh, trà sữa, trà trái cây,… có thể dùng nóng hoặc lạnh tùy theo sở thích bản thân. Chọn dùng thử “Trà thảo mộc”, cảm nhận được hương vị thanh mát của trà cộng hưởng là vị ngọt của mật ong. Một sự kết hợp trọn vẹn và vừa vặn, sẽ là một lựa chọn không tồi cho ngày hè nóng bức. Ngoài ra, Là Việt có phục vụ các loại bánh ngọt và điểm tâm sáng.


Thức uống vừa ngon miệng, vừa "ngon mắt"

Nhân viên phục vụ ở Là Việt khá thân thiện, nhanh nhẹn và chuyên nghiệp. Khi đặt món xong bạn chỉ cần lựa chọn một chỗ ngồi yêu thích nhất, nhân viên sẽ phục vụ tận bàn và thường xuyên chủ động rót lại nước lọc cho khách.


Bên cạnh đó quán có hỗ trợ phí gửi xe 5000 đồng/ chiếc và sẽ trừ trực tiếp vào hóa đơn.

 

Địa chỉ: 57A Tú Xương, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Giá: 40.000 - 60.000 VND

 


Cà phê không phân biệt già trẻ gái trai, không phân chia truyền thống hay hiện đại, cà phê là dành cho những ai trót yêu cái cách nhâm nhi vị đắng ngắt nơi đầu lưỡi để rồi cảm nhận được cái vị ngọt hậu nơi vòm họng. Cái hay của cà phê Sài Gòn nằm ở chỗ dù cho mô hình chuỗi cà phê hiện đại có lớn mạnh thế nào, diện mạo của các quán cà phê có "thay da đổi thịt" ra sao thì quán cà phê truyền thống vẫn "sống", vẫn song hành tồn tại. Thế hệ trước âm thầm nhìn ngắm nhịp sống hiện đại đang ngày ngày len lỏi từng ngóc ngách thành phố, thế hệ trẻ thì quay lại kiếm tìm những điều xưa cũ, cố bắt gặp một chút kí ức của Sài Gòn xưa. Đối diện nhau bên ly cà phê, câu chuyện cứ thế mà bắt đầu...


 


Thực hiện: Nhóm 5

1. Đào Đình Bình

2. Bùi Thị Thu Hiền

3. Lê Thị Hạnh Hiển

4. Nguyễn Minh Khôi

5. Bùi Lê Nhật Tân

6. Ngô Thị Anh Thư





964 views0 comments

Comments


Post: Blog2_Post
bottom of page